Giới Thiệu


Ảnh Nhạc sĩ Đỗ Hoàng Dũng


VietNamNet - Lời Tri ân từ Tiếng Đàn Đêm
                                                                  Bài hát Tiếng đàn đêm của NS Đỗ Hoàng Dũng là một  trong những bài hát về thương binh được nhiều người yêu thích.  

Làm quen với cây guitar từ nhỏ, cậu bé Dũng mơ ước trở thành người truyền nghề đàn như thầy dạy nhạc của mình. Mong ước từ tuổi thơ trở thành hiện thực khi Dũng quyết định theo học Nhạc viện. Để có đủ tiền theo học, Đỗ Hoàng Dũng phải dạy đàn thêm ngoài giờ

Vừa dạy đàn vừa theo đuổi sự nghiệp sáng tác, những tác phẩm NS Đỗ Hoàng Dũng giới thiệu không nhiều, nhưng sự nghiệp dạy đàn guitar và organ cho rất nhiều thế hệ học trò đã được hơn 20 năm. Có thể nói, NS Đỗ Hoàng Dũng là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi chịu khó và kiên nhẫn với nghề dạy nhạc. Với tính cách nhẹ nhàng và trầm tĩnh, những sáng tác của NS Đỗ Hoàng Dũng cũng như anh, tha thiết và chân thành.

Trong nhiều dịp sinh hoạt văn nghệ, NS Đỗ Hoàng Dũng quen và thân với anh thương binh gần nhà. Ngưỡng mộ người thương binh vì tinh thần và sự tươi trẻ của anh ấy, nhân dịp được đặt hàng viết ca khúc về thương binh, anh đã lấy hình ảnh người bạn của mình để sáng tác. Sau khi viết xong bài hát, NS Đỗ Hoàng Dũng và "nhân vật chính" cùng chỉnh sửa bài hát cho hoàn mỹ hơn. Bài hát Tiếng đàn đêm ra mắt vào năm 1984 và trở thành bài hát được yêu thích nhất của năm. Đến bây giờ, Tiếng đàn đêm vẫn là một trong những bài hát về thương binh được yêu thích.

Ngọc Kim Ngân- VietNamNet


Thanh niên - Ký ức màu hoa đỏ...



Phải nói thật rằng nếu lục lọi trong kho tàng âm nhạc đồ sộ của chúng ta để tìm những ca khúc viết về đề tài Thương binh-Liệt sĩ thì khá là hiếm hoi. May mắn thay, tuy ít thật đấy, nhưng ca khúc nào cũng hay, cũng tràn đầy cảm xúc với nhiều cung bậc...

Cần nhắc đến đầu tiên chính là ca khúc Màu hoa đỏ (thơ Nguyễn Đức Mậu, nhạc Thuận Yến), một ca khúc luôn làm lay động lòng người: "Có người lính, mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính mùa thu ấy ra đi từ ấy không về. Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che.

Chiều biên cương trắng trời sương núi. Mẹ già mỏi mắt nhìn theo… Việt Nam ơi! Việt Nam! Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con. Việt Nam ơi! Việt Nam! Ngọn núi nơi anh ngã xuống, rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa. Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hôn…”. Lời thơ đẹp, hình ảnh giản lược nhưng gợi nhiều xúc động: mái tranh nghèo, người lính trẻ, bà mẹ già, ngọn núi đá, màu hoa đỏ... Giai điệu không hề vương nét u uất, rờn rợn của một bản nhạc truy điệu mà chậm rãi, buồn thê thiết làm nao lòng người...Với Màu hoa đỏ, có hát một nghìn lần thì cảm xúc vẫn không hề vơi giảm.

 
Trong thập niên 1980, nhạc sĩ Trần Tiến cũng đã có một ca khúc rất được công chúng yêu thích: Vết chân tròn trên cát. Có lẽ những tháng ngày làm văn công phục vụ ở tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh đã gợi cho Trần Tiến cái hình ảnh "Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường làng cát trắng quê tôi… Chỉ để lại một bài ca trên cát trắng bao la…”, rồi khi làm lính ở chiến trường Lào và biên giới phía Bắc là những cảm xúc "...Bài hát có trận đánh không quên bên đồi.

Bài hát có người lính biên cương thương mẹ...”. Hình ảnh người thương binh chống nạng, cứ mỗi bước đi là để lại một dấu tròn của đế nạng trên bãi cát có cái gì đó làm trĩu lòng người. Nhưng rồi khi hát lên: "...Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương. Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời. Bài hát có đồng lúa miên man câu hò…” thì cái cảm giác đó chừng như vượt thoát khỏi hồn người để ta như bay bổng theo từng lời hát.

Cũng cùng mô-típ với Vết chân tròn trên cát là ca khúc Tiếng đàn đêm của nhạc sĩ Đỗ Hoàng Dũng. Hình ảnh anh thương binh trong Tiếng đàn đêm thật lạc quan, tươi trẻ. Nguyên mẫu trong bài hát là một anh thương binh ở gần nhà và là chỗ thân quen với Đỗ Hoàng Dũng. Tiếng đàn đêm được sáng tác vào năm 1984 và nhanh chóng chiếm được cảm tình không chỉ của quần chúng mà còn trong cả giới sáng tác.
                                                                                   Ns ĐHD

Có một ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy mới được phép phổ biến, dù đã ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ trong kháng chiến chống Pháp: Ngày trở về. Hình ảnh anh thương binh trong Ngày trở về cũng hết sức lạc quan, yêu đời: "...chống nạng cày bừa, vì thương yêu anh nên ngày trở về có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ. Ngày trở về, lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ. Gió mát trăng thanh, ôi ngày trở về có anh thương binh sống đời hòa bình... Ngày trở về có anh thương binh lấy vợ hiền lành. Người đẹp bên anh, ta cùng học hành mỗi khi tan công, hết việc, xếp gánh…".

Xin được nêu thêm một ca khúc tuy chưa phổ biến nhưng có hoàn cảnh ra đời khá ly kỳ và cảm động. Số là anh Trần Bắc Hải - hiện sống và làm việc tại London (Anh), trong một ngày đầu tháng 5.2007 khi vào mạng internet đã tình cờ đọc được 4 câu thơ của một cựu chiến binh QĐND VN: "Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm" (Lời gọi bên sông - Lê Bá Dương). 4 câu thơ đã làm Trần Bắc Hải "sởn gai ốc" (nguyên văn của anh trên mạng). Anh nhờ các sinh viên Việt Nam đang du học tại Anh tìm được địa chỉ của tác giả bài thơ Lời gọi bên sông. Hai người: một ở Việt Nam, một ở Anh nhưng rất gần gũi qua sự đồng cảm và Trần Bắc Hải đã phổ nhạc bài thơ. Do bài thơ chỉ có 4 câu nên khi phổ nhạc được lặp lại hai lần. Đoạn A là solo, đoạn B hát 3 bè. Chưa biết hay hay dở nhưng chắc chắn không chỉ hai đồng tác giả này mới đồng cảm, mà còn có cả bạn và tôi!
Hà Đình Nguyên
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------













PHẠM LĨNH (Tác giả của những bức hình hoa)

2 nhận xét:

  1. Tôi từng được gặp gỡ, nói chuyện với Anh - Nhạc sỹ Đỗ Hoàng dũng; đó là một vinh dự, may mắn, là món quà đầy ý nghĩa với tôi trong cuộc sống! xin cám ơn Anh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @Phạm Bá: Cám ơn bạn đã dành cho tôi một tình cảm tốt đẹp!

      Xóa